- Đằng Vân tổng hợp
27 tháng 1, 2022

Chợ hoa Tết ngày 24 tháng Chạp vẫn đìu hiu – Ảnh: VNExpress
Chỉ còn bốn ngày nữa đến Tết Nhâm Dần 2022, thế nhưng không khí của các chợ hoa Tết tại Sài Gòn đều đìu hiu, như không có Tết.
Theo ghi nhận, lác đác vài người đến hỏi giá hoa kiểng, rồi bỏ đi, không trả giá, không xăm soi chọn lựa thêm, nên riết rồi người bán cũng hờ hững với khách, tụ năm túm ba tám chuyện “giết thời gian”.

Tại khu vực Công viên Gia Định (quận Phú Nhuận và Gò Vấp), công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình) được xem là một trong những chợ hoa Tết lớn của Sài Gòn cũng lâm vào cảnh yên ắng chưa từng thấy. Khác hẳn mọi năm, người mua tấp nập, nhanh tay chọn hoa vì sợ để lâu có người mua mất.
Anh Nguyễn Thành Nhất đưa 50 gốc quất từ Chợ Lách (Bến Tre) lên thuê mặt bằng tại công viên Gia Định để bán từ hôm 20 Tháng Chạp. Đã sang ngày thứ năm nhưng anh chưa bán được gốc nào.

Anh tâm sự, mười năm theo nghiệp cha bán quất kiểng Tết, anh thấy năm nay khó khăn nhất. Anh nói với VNExpress:
“Tiên liệu năm nay dịch Covid-19 khó khăn nên tôi không dám làm nhiều, không tăng giá bán cây. Do đó, tôi xác định chuyến này như dạo chơi thành phố và không bất ngờ khi ế ẩm”.

Dù ế nhưng nhiều tiểu thương hy vọng vẫn bán được hết số cây kiểng. “Năm nay số lượng cây kiểng không nhiều, nguồn cung giảm. Người dân thành phố có tâm lý mua hoa kiểng phải chờ đến ngày cuối chợ nên tôi hy vọng sẽ bán hết cây để lấy tiền về ăn Tết”, một tiểu thương chia sẻ.
Riêng anh Minh bán rau, được mọi người gọi với cái tên thân thiết là Minh Râu, người bán rau nổi tiếng vì sự hào sảng giúp đỡ người nghèo, lại không đồng ý cách mua bán như thế.
Gần Tết, anh Minh bỏ bán rau, chuyển qua bán hoa kiểng, với giá cả công khai, và tuyên bố “29 Tết bán gấp đôi, bán không hết thì tặng bạn bè!”

Chia sẻ với Thanh Niên, anh Minh Râu cho hay, anh viết tấm bảng như vậy để ai có nhu cầu mua bông thì mua sớm, giáp Tết đỡ cập rập. Anh khẳng định, anh bán hàng không bao giờ nói thách, sau khi lấy bông từ vườn, anh cộng thêm tiền vận chuyển, nhân công rồi công khai giá bán.
Theo anh Minh Râu, việc mua bông, ép giá vào chiều 29 (đối với tháng thiếu) hay chiều 30 Tết là chuyện mà ai cũng biết. Anh cho rằng, ở góc độ người mua, nếu không có điều kiện thì đợi đến ngày cuối mới ra các sạp bên đường tìm mua chậu bông về để nhà cửa có không khí Tết. Nhưng ở góc độ người bán, nhiều tiểu thương cũng đưa ra giá những ngày đầu khá cao.

Anh Minh Râu cho biết, cũng có bạn hàng nói anh nên tăng giá cao lúc đầu để bù vào những ngày cuối, nhưng anh không đồng ý, mà cứ công khai giá bán. Anh Minh cười bộc bạch:
“Đến đúng 13 giờ 29 Tết, tôi tăng giá gấp đôi. Đến tối không hết thì mang tặng họ hàng, bạn bè, tôi nhiều bạn mà”. (Tổng hợp)