- Đơn Dương
10 tháng 11, 2021
Share:Share on facebook Share on twitter Share on linkedin Share on telegram Share on whatsapp

Bạn có phải là người nuông chiều con quá mức? Minh họa: Unsplash
Không phải cha mẹ nào thương con cũng “cho roi cho vọt”. Nhiều bậc phụ huynh thể hiện tình thương bằng cách nuông chiều con cái, muốn gì được nấy.
Ai cũng biết, những trẻ được nuông chiều thái quá sẽ gặp nhiều khó khăn khi chúng lớn lên, hơn là những đứa trẻ khác được nuôi dạy đúng cách.
Nhiều ông bố, bà mẹ, sợ con đau, sợ con buồn, sợ con mệt,… nên khi thấy con đưa ra yêu cầu nào đó, đều đáp ứng ngay, thay vì hỏi nguyên do và giúp con tự giải quyết.
Những đứa trẻ béo phì là do người nuôi dưỡng, chứ không phải do các bé. Con muốn ăn gì ba mẹ cũng chiều, cho đến khi bé bị bệnh, cũng vẫn chiều vì “thấy nó thèm mà tội”. Điều này càng làm hại con.
Nhìn con ‘ôm’ mấy iPad hay iPhone mà thích thú, cười vui, nhiều bậc cha mẹ cảm thấy vui theo con, mà không tính đến thời gian bé đã… vui như thế mấy tiếng đồng hồ liền. Hại mắt, giảm khả năng sáng tạo, ít vận động chơi thể thao ngoài trời và tham gia các hoạt động xã hội khiến trẻ thiếu hoạt bát, nhanh nhẹn và sức đề kháng cũng yếu. Đó là những tác hại thấy rõ, nhưng đã chiều con, ít ai muốn nghĩ đến điều đó sẽ xảy ra với con mình.

Một nghiên cứu chỉ ra rằng những trẻ được nuông chiều từ nhỏ dễ trở thành “học sinh cá biệt”, học kém. Khi lớn lên, ra ngoài xã hội, là những người sử dụng rượu bia, hút thuốc và hay đánh nhau nhiều hơn, so với những người mà lúc nhỏ ít khi hoặc không được nuông chiều.
Dưới dây là những cách kiểm chứng một đứa trẻ được nuông chiều hay không, qua cách các bé biểu hiện thái độ.
Nhà trị liệu hành vi Jessica Leichtweisz cho biết để xem trẻ có được nuông chiều quá mức hay không, bạn hãy xem cách chúng đối phó với những lời từ chối của người khác. Vì được mặc định là mình “muốn gì được nấy” nên trong trường hợp bị từ chối, các bé sẽ phản ứng rất mạnh, thể hiện sự khó chịu, bực bội khi nghe người khác nói “Không được!”.
Trẻ được nuông chiều sẽ thường không biết cách tự chăm sóc cho bản thân mình, hay ỷ lại, lười biếng, vì tất tần tật đã được cha mẹ làm thay cho.
Những đứa trẻ thiếu kiên nhẫn, hay bỏ cuộc, thường sống trong gia đình được cha mẹ, ông bà nuông chiều. Lý do, các bé đã được người lớn lo cho từ A-Z, và khi gặp khó khăn, cũng chỉ biết dựa vào người lớn, không có khả năng tự giải quyết vấn đề. Để kiểm chứng, bạn thử để con mình “tự lập” trong vòng một, hai ngày. Nếu các bé ứng phó được với cuộc sống “mẹ vắng nhà,” có nghĩa bé không phải là đứa trẻ được nuông chiều quá mức.
Trẻ tỏ thái độ không vui, khó chịu khi nhận được món quà không như mong muốn, rất có thể đó là dấu hiệu được nuông chiều thái quá. “Những đứa trẻ được nuông chiều có xu hướng tức giận khi không có được thứ mình muốn,” nhà trị liệu hôn nhân và gia đình Nicole Arzt nói với tạp chí Best Life.
Thông thường, trẻ rất vui, và biết thể hiện sự cảm kích khi được tặng quà, kể cả những món quà không quá giá trị. Nhưng vì đã được cho những thứ chúng “đòi” và “được” nên khi nhận quà không đúng ý sẽ tỏ ngay thái độ. Nếu một đứa trẻ không cảm thấy hài lòng với những gì chúng đang có, như đồ chơi, quần áo, giày dép,… chắc chắn trẻ này được nuông chiều quá mức.

Và cuối cùng, một đứa trẻ không biết giúp đỡ người khác, như khi thấy bạn đang khệ nệ bưng nhiều đồ nặng mà không biết chạy đến giúp, hoặc phụ mở cửa, đó là đứa trẻ chỉ biết đòi hỏi mà thôi. Và “đó là một dấu hiệu đáng báo động,” chuyên gia chăm sóc gia đình Claire Barber nói. Bà giải thích, những đứa trẻ được lo cho mọi thứ, chỉ biết học tập, không phải làm việc, không biết giúp đỡ người khác, khi lớn lên cũng sẽ là người luôn thờ ơ với người khác.
Hãy thử nhìn xung quanh và kiểm chứng bằng những cách trên, bạn sẽ nhận ra ngay đứa trẻ nào được nuông chiều quá mức. Hãy cho chúng tôi biết quan niệm của bạn về vấn đề này nhé!